Hội thảo giáo dục kỹ thuật Việt Nam

      Chủ đề của VEEC năm nay là: “Giáo dục ngành kỹ thuật là xúc tác cho Đổi mới và Tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Chương trình liên minh giáo dục kỹ thuật - HEEAP phối hợp thực hiện. Các đối tác tham dự hội nghị gồm có USAID, Đại học ASU – Mỹ, National Instruments, SHTP, Siemens, Cadence, Pearson, Intel, Danaher, Mekong Technologies và Mediasite

      HEEAP là một chương trình liên kết đào tạo giữa chính phủ, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật và đẩy mạnh lực lượng lao động có kỹ thuật cao tại Việt Nam. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng là một trong tám trường thành viên của dự án HEEAP. 
 
      “Hợp tác giáo dục là nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta và Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật - HEEAP là một ví dụ tiên phongcho những kết quả lớn lao mà chúng ta có thể đạt được thông qua mối quan hệ đối tác công - tư đầy năng động”. Bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 
 
      Sau phần khai mạc chung, hội nghị đã đi vào phiên làm việc thứ nhất với chủ đề ” Làm thế nào để phong trào sáng chế có thể thay đổi hoạt động Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học và Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật”.  
Từ trái qua ông Chandran Nair - Giám đốc điều hành, Công ty National Instruments; Bà Phan Hoàng Anh - đồng sáng lập, Fablab Sài Gòn; ông Tony Ngô - Chủ tịch và đồng sáng lập của Tổ chức Giáo dục Everest; Dr. Mitzi Montoya – Phó hiệu trưởng Đại học bang Arizona;   
 
      Theo tiến sĩ Mitzi Montoya, tại trường đại học bang Arizona, luôn có một phòng thí nghiệm mở, trong đó có nhiều thiết bị, công cụ công nghệ từ thấp đến cao. Ở đó, không chỉ sinh viên, giáo viên trong trường mà thậm chí cả học sinh phổ thông cũng được mời vào để sử dụng phòng thí nghiệm. Với không gian mở, người sử dụng sẽ cảm thấy thoải mái, từ đó khuyến khích người sử dụng luôn có những ý tưởng đổi mới và sáng tạo. 
 
      Theo ông Chandran Nair, Việt nam là nước có dân số trẻ, do đó nguồn lực “vốn con người” là rất lớn. Giáo dục kỹ thuật tại Việt nam về lý thuyết rất tốt, nhưng kỹ năng thực hành kỹ thuật chưa được chú trọng. Việc chú trọng tới kỹ năng thực hành nên được chú trọng ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Năm 2014, NI Việt Nam phối hợp với chương trình HEEAP tổ chức cuộc thi “Thiết kế sáng tạo dành cho doanh nhân trẻ”. Với tiêu chí là các sản phẩm được ứng dụng trong cộng đồng hoặc đưa ra giải pháp để thực sự ứng dụng và mở rộng ra trên toàn cầu, từ đó có thể đóng góp vào nền kinh tế của địa phương và của toàn cầu. 
 
      Bà  Phan Hoàng Anh - đồng sáng lập Fablab Sài Gòn chia sẻ, Việt nam nên thành lập nhiều cộng đồng sáng chế mà Fablab là một ví dụ, được viết tắt từ Fabrication Laboratory, đây mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã rất phát triển trên thế giới, trải rộng qua hơn 30 quốc gia. Fablab là phòng thí nghiệm chế tạo; cũng có thể là một xưởng sản xuất mini gói gọn trong một căn phòng nhỏ. Fablab là nơi tập trung của cộng đồng sáng chế, nơi những thành viên cởi mở trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.  
 
      Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Khuyến khích tư duy đổi mới và khởi nghiệp ở các kỹ sư bậc cử nhân: những ý tưởng và mô hình cho Việt Nam”. Khách mời trong phiên thảo luận gồm: Ông Vũ Minh Trí – Giám đốc công ty Microsoft Việt nam, Tiến sĩ Hoàng Minh – Hiệu trưởng trường ĐH Bưu chính viễn thông; Tiến sĩ Charles Cuong Nguyen – Hiệu trưởng trường kỹ thuật Catholic; Ông Bruce Robert Newton - Tổng giám đốc eSilicon Vietnam; Tiến sĩ Trần Anh Tuấn -  Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 
 
      Theo tiến sĩ Charles Cuong Nguyễn, Việt nam cần tạo ra nhiều diễn đàn hơn cho các nhà sáng tạo Việt nam. Trong chương trình đào tạo nên có các học phần để hỗ trợ sự sáng tạo của sinh viên.  Các trường chủ động tiếp cấn với doanh nghiệp, bằng cách như mời doanh nghiệp làm hội đồng tư vấn để xây dựng chương trình đào tạo. 
 
      Với ông Vũ Minh Trí, các trường đại học kỹ thuật Việt nam chú trọng nhiều tới sáng tạo và khởi nghiệp, cần tạo ra nhiều diễn đàn trên mạng để chia sẻ thông tin, khuyến khích sinh viên suy nghĩ về những vấn đề ngoài những gì đã được dạy trong trường. 
 
      Cần phải tạo ra môi trường cho sinh viên làm thử nghiệm những điều có ý nghĩa từ khi sinh viên bước chân vào trường đại học chứ không phải đợi tới lúc sinh viên làm luận án tốt nghiệp, ông Bruce Robert Newton nói. 
     
      Tiễn Sĩ Hoàng Minh cho rằng, Bộ giáo dục và đào tạo cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ các trường trong việc thiết kế chương trình đào tạo. 
 
      Vấn đề tự chủ trong các trường cũng được bàn luận nhiều tại phiên thứ hai, theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, hiện nay có 4 trường đại học trực thuộc Bộ giáo dục đã tự chủ về chương trình đào tạo. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra khung chuẩn đầu ra, từ đó các trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng được các chuẩn đầu ra đó. Xoay quanh vấn đề tự chủ, tiến sĩ Hoàng Minh nhấn mạnh: “Bộ giáo dục và đào tạo để cho các trường Việt nam độc lập – tự chủ, các trường sẽ làm được, và chắc chắn chất lượng giáo dục được nâng cao”.  
 PGS.TS Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Các đối tác HEEAP đã có những hỗ trợ quan trọng trong đổi mới, cập nhật nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu ở các trường Đại học kỹ thuật Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. 
 
      Các phiên thảo luận kỹ thuật tại hội nghị cũng đề cập đến các những chủ đề: Phát triển và đánh giá quan hệ đối tác giữa Chính phủ - Công nghiệp - Giáo dục; Công nhận đạt chất lượng và tiếp tục cải t iến; Sinh viên và hợp tác nghiên cứu sử dụng môi trường mô hình hoá xây dựng thông tin (BIM), Phát triển kỹ năng nghề nghiệp; Những định hướng tương lai cho giáo dục tại Việt Nam; cùng các chủ đề khác. 
 
      Bài thuyết trình của khối công nghiệp và các Viện Đại học của Hoa Kỳ hay của các diễn giả đến từ hầu hết các trường đối tác của HEEAP trong các phiên thảo luận kỹ thuật đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các trường đại học, các viện, trung tâm Việt Nam bởi những chia sẻ về kết quả lẫn nỗ lực là từ chính quá trình mà đơn vị, tổ chức của chính diễn giả đã trải nghiệm.
 
      Tại hội thảo Giáo dục kỹ thuật Việt nam năm nay, ngoài các đối tác quen thuộc như NI, Techtronic còn có chuyên đề thảo luận do ông Nguyễn Xuân Yên – Giám đốc kỹ thuật công ty Jardine Schindler về chương trình liên kết đào tạo  của công ty với trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng. Theo ông Yên, sau một thời gian tìm kiếm đối tác để hợp tác đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng là địa chỉ đáng tin cậy, là nơi đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên có chất lượng cao. Từ đó chương trình được thực hiện với hai năm đầu học tại trường, năm cuối, sinh viên được thực tập tại công ty, được trả lương như là thành viên chính thức của công ty.

      Hội nghị thường niên VEEC bao gồm các phiên họp toàn thể, phiên thảo luận mở, các phiên và buổi chuyên đề thảo luận kỹ thuật nhấn mạnh vào hợp tác giữa đào tạo, ngành công nghiệp và chính phủ để xây dựng và nâng cao năng lực đổi mới kỹ thuật và công nghệ sử dụng trong giảng dạy, nghiên cứu. 
 
      Hội nghị Giáo dục Kỹ thuật Việt Nam là một sự kiện thường niên quan trọng mang lại cơ hội gặp gỡ giữa ngành công nghiệp toàn cầu, chính phủ và các chuyên gia giáo dục để thảo luận các ý tưởng và giải pháp đổi mới chương trình đào tạo ngành kỹ thuật tại Việt Nam. Đồng thời là cầu nối hữu hiệu thúc đẩy mối quan hệ đối tác công - tư, hợp tác giữa Chính phủ, khối Công nghiệp và khối Giáo dục - Đào tạo để tăng cường đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. 
 
 By: TB